Mỗi người từ khi sinh ra đều có những dấu mốc thời gian quan trọng để đánh dấu từng bước chuyển giai đoạn quan trọng trong cuộc sống. Cái chết là sự kiện cuối cùng trong giai đoạn sống của mỗi người ở nhân gian trần thế.
Theo quan niệm về tâm linh, khi con người chết đi thực không phải hoàn toàn biến mất mà chuyển đến một nơi khác. Chỉ có phần thể xác chết đi và mục nát, còn linh hồn của người ấy vẫn tồn tại ở một thế giới mà con người không thể chạm tay tới được. Để cho linh hồn người chết được siêu thoát và an yên, từ khi trút hơi thở cuối cùng để rời khỏi trần thế, tùy vào mỗi gia đình và tùy theo văn hóa từng vùng miền, người đã khuất sẽ trải qua những dấu mốc quan trọng sau, được con cháu nghiêm túc thực hiện:
- Lễ phát dẫn (lễ đưa tang)
Trong lễ phát dẫn, các nghi lễ dành cho người đã khuất được thực hiện một cách trang nghiêm, đầy đủ với lòng thương tiếc vô hạn với người đã khuất.
- Lễ an táng (lễ hạ huyệt)
Giờ hạ huyệt thường chọn giờ hoàng đạo. Trước khi hạ huyệt phải cúng Thổ thần nơi hạ huyệt. Đồ lễ có trầu rượu, đĩa xôi, vàng hương, thủ lợn hoặc chân giò. Mọi người đi quanh huyệt rồi thả đất xuống dưới. Hạ quan tài xuống rồi đắp đất, trồng cỏ. Từ hôm đó, chủ nhà thắp hương cơm canh cho người đã khuất đến hết 100 ngày.
- Lễ 3 ngày (lễ tế ngu)
Sau 3 ngày chôn cất, con cháu đến sửa mộ rồi đắp mộ lại cho tròn, chỗ nào bị lún bị hở thì đắp lại. Kiêng không chèo lên mộ để đắp tránh làm sập thế mộ.
- Lễ 49 ngày (lễ chung thất)
Theo quan niệm Phật giáo, âm hồn người sau khi chết đi phải trải qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày qua một điện dưới âm ty. Sau 7 x 7 = 49 ngày vong hồn người chết mới được siêu thoát. Đây là một dấu mốc quan trọng đưa người chết về nương nhờ cửa Phật.
- Lễ 100 ngày (lễ tốt khốc)
Sau đúng 100 ngày, con cháu làm lễ để cúng và làm cỗ mời họ hàng thân thuộc. Từ đây trở đi con cháu thôi không khóc nữa và lấy ngày mất làm ngày giỗ hàng năm
- Giỗ đầu (tiểu tường)
Đúng tròn 1 năm của người mất. Ngày giỗ này người ta thường tổ chức rất trang nghiêm, đầy đủ không kém so với ngày để tang năm trước. Gia chủ làm lễ cúng và làm cỗ mời họ hàng thân thuộc.
- Giỗ hết (đại tường)
Là ngày giỗ sau ngày mất 2 hoặc 3 năm tùy theo từng vùng. Sau năm giỗ hết, các năm sau làm giỗ thường. Giỗ thường được duy trì đều đặn mỗi năm cho đến hết 5 đời. Sau 5 đời, vong linh người chết được siêu thoát, đầu thai kiếp khác nên không làm giỗ nữa.
Ngày giỗ là ngày con cháu nhớ đến người đã khuất, không nhất thiết phải linh đình đắt đỏ nhưng phải có cái tâm, thành kính.
- Cải táng (bốc mộ, sang cát, lên nhà mới)
Sau 3-4 năm xương cốt đã sạch sẽ, xét trong gia đình dòng họ không có ai trùng tang, gia chủ sẽ làm lễ cải táng, đem xương cốt của người đã khuất xếp vào trong tiểu và cải táng ở nơi khác. Lễ cải táng này cần chọn ngày nào phù hợp, không xung khắc với tuổi người mất. Trước khi cải táng cúng Thổ thần Thiên địa để đào mả lên, sau lại cúng Thổ thần Thiên địa để chôn tiểu xuống. Sau đó xây lăng mộ đá kiên cố để tưởng nhớ và hương khói cho người đã khuất.
Mộ đá là nơi lưu giữ an toàn nhất với người đã khuất.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.